Nuôi bồ câu làm kinh tế - Phần 2
CHUỒNG TRẠI CHĂN NUÔI BỒ CÂU
Theo tập quán, bà con xưa nay thường nuôi bồ câu bằng cách đóng chuồng gỗ rồi thả cho bồ câu bay tự do. Tuy nhiên, nếu nuôi theo qui mô công nghiệp thì nuôi bằng phương pháp cũ sẽ không có hiệu quả (vì nuôi thả bay tự do mình không kiểm soát được khả năng sinh sản, quá trình ấp trứng, nở con, trọng lượng chim ra ràng, bệnh tật,...).
Vì vậy, để nuôi công nghiệp, cần thiết chúng ta phải thiết kế chuồng trại theo kiểu công nghiệp.
Về diện tích: với diện tích khoảng 10m x 30m chúng ta có thể nuôi khoảng 1.500 cặp bồ câu. Chuồng được xây gạch cao khoảng 1m xung quanh, mái lợp tole hoặc chất liệu bền với thời gian (vì nếu lợp bằng chất liệu khác khi hư hỏng thì rất khó sửa đổi vì bồ câu rất sợ tiếng ồn). Phía trên có thể gắn các quạt gió để thông thoáng chuồng trại. Khoảng giữa các vách có thể dùng lưới trồng lan để che phủ (chúng ta có thể dễ dàng mở ra vào mùa nắng và che phủ lại vào mùa mưa).
Để cho thông thoáng, chúng ta nên xây trại cách xa khu dân cư, thoáng mát, ít tiếng ồn thì hiệu quả càng cao. Gần trang trại có thể thiết kế 01 ao nhỏ để làm thoáng mát không khí xung quanh vì thân nhiệt bồ câu thường rất cao nên nhiệt độ xung quanh chuồng trại cũng thường oi bức.
Về chuồng nuôi bồ câu: thông thường, diện tích mỗi chuồng khoảng 0,5 x 0,5 x 0,5, bên trong có diện tích để có ổ đẻ. Phía ngoài có cửa để tiện kiểm tra trứng, bắt chim ra ràng; chỗ để đồ uống nước, thức ăn,...
Việc thiết kế chuồng để nuôi bồ câu thường có 3 tầng để tiết kiệm diện tích và tăng khả năng quản lý bồ câu tốt hơn.
Về vệ sinh chuồng trại: thông thường khoảng 15 ngày chúng ta nên vệ sinh chuồng trại, dọn dẹp phân bồ câu, phun xịt để sát trùng. Cần tăng cường vệ sinh chuồng trại vào mùa nắng vì dễ phát sinh dịch bệnh.
Nên có khu quản lý bồ câu ra ràng trước khi xuất chuồng; khu cách ly chim bị bệnh; khu để phát triển bồ câu giống,...