Bài học từ vụ vỡ nợ 300 tỷ đồng Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh đang khan hiếm và các ngân hàng thương mại đang phải nỗ lực hạn chế nợ xấu thì trên địa bàn thành phố Cần Thơ lại xảy ra một vụ vỡ nợ quy mô lớn.
Khoản tín dụng hơn 300 tỷ đồng của 5 ngân hàng thương mại có chi nhánh tại Cần Thơ có nguy cơ mất trắng. Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ dừng lại tại đây, việc vay vốn của các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thủy hải sản đã khó lại càng thêm khó.
Tại kho lạnh của công ty TNHH An Khang, khu công nghiệp Trà Nóc (TP.Cần Thơ), những gì còn lại của cái gọi là tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng là vài trăm hộp cá phi-lê lẫn lộn với cá vụn, thịt vụn. Trong hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng, giá trị của kho hàng này được kê khai lên tới gần 30 tỷ.
Mặc dù đã mang kho hàng thế chấp cho một loạt các ngân hàng để vay cả trăm tỷ đồng, chủ doanh nghiệp vẫn viết giấy bàn giao hàng hóa trong kho cho những người đã bán cá nguyên liệu. Trong suốt 1 tháng qua, kho hàng này đã trở thành địa điểm tranh chấp giữa các ngân hàng thương mại với nhau và giữa các ngân hàng với những người bán cá. Cho đến thời điểm này, chỉ có SeaBank, chi nhánh Cần Thơ công bố đầy đủ hồ sơ pháp lý về tài sản thế chấp này.
Cho đến thời điểm này, dư nợ tín dụng của công ty TNHH An Khang tại các ngân hàng được tạm khoanh ở con số 305 tỷ đồng. Có 5 ngân hàng đã bơm vốn vào đây, trong đó, có ngân hàng thương mại đã chi ra cả trăm tỷ đồng mà chỉ căn cứ vào những bộ chứng từ xuất khẩu. Điều đáng nói là, những bộ chứng từ đó bị cho là giả.
Cũng vì vụ việc này, 1 Giám đốc và 2 Phó Giám đốc của chi nhánh một ngân hàng thương mại lớn đã bị cách chức. Hầu hết các ngân hàng thương mại có quan hệ tín dụng với công ty TNHH An Khang đều từ chối bình luận về vụ việc này. Vụ việc đúng là phức tạp và có nhiều ẩn khuất mà người ngoài ngành khó có thể hiểu được.
Cơ quan điều tra, công an thành phố Cần Thơ vừa tiến hành khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty TNHH An Khang. Chưa biết đến lúc nào mới có kết luận, nhưng tại thời điểm này, luồng tín dụng dành cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thủy hải sản tại khu vực thành phố Cần Thơ đang bị ngưng đọng do hầu hết các tổ chức tín dụng đều trở nên cảnh giác với hồ sơ vay vốn lưu động trong ngành chế biến và xuất khẩu thủy hải sản.
Mặt khác, người nuôi cá cũng rất do dự khi bán cá trả chậm cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tác giả : Phạm Kiên