(Nguoiduatin.vn) - Mấy ngày gần đây, ngoài sự căm phẫn thì dư luận cũng rất bất ngờ với nhân thân "khá hiền lành" của hung thủ chính trong vụ thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang gây chấn động. Đặc biệt, không ít người còn cho rằng khuôn mặt của tên sát thủ này trông khá hiền lành "da trắng môi đỏ chẳng khác gì con gái".
Cả họ khốn khổ vì cháu đích tôn biến thành quỷ dữ Hung thủ vụ thảm sát liệu có thoát án tử hình?
Theo các nhà nhân tướng học thì ngay khi chưa gây án, đôi mắt của Luyện đã bộc lộ những tia nhìn lạnh lùng. Tuy nhiên, với tính cách bẩm sinh ngỗ ngược đó đã không có được một môi trường giáo dục tốt dẫn đến nguồn cơ của những hành động vô nhân tính mà hắn đã gây ra.
Ánh nhìn lạnh lùng trên khuôn mặt trẻ thơ
Những ngày qua cũng có một thông tin mà dư luận đề cập đến khá nhiều, đó chính là nhân thân của Lê Văn Luyện. Thông tin về tên sát thủ này là những thông tin về việc y là người có "vỏ bọc" hiền lành khiến cho dư luận có phần rất đỗi ngạc nhiên. Nhiều câu hỏi đặt ra về nguyên cớ, về cuộc sống tinh thần và vật chất đều được mổ xẻ. Song cũng đã có không ít người quan tâm đến bộ mặt của hung thủ được trưng lên khắp các mặt báo.
Vậy sự thật có thể thấy điều gì? Vẻ mặt của tên sát thủ xuất hiện trên mặt báo có điều gì khiến cho người nhìn phải suy ngẫm. Đã có ý kiến cho rằng, ánh mắt của Lê Văn Luyện trong bức ảnh nhìn có phần "bí hiểm" song có thể thấy nó khá ngang tàng và lạnh lùng. Sự lạnh lùng đó giờ đây đã gắn với những cái chết tức tưởi, đớn đau. Có người gọi những ánh nhìn và nét thể hiện đó là "hung điểm" trên khuôn mặt một con người.
Trên thực tế trong góc nhìn về tội phạm học, nhân tuớng học, xã hội học thì một kẻ tiềm ẩn cái ác không thể che giấu. Thế nên, có rất nhiều "sát thủ" có sẵn trong mình sát khí và không phải ai cũng có thể "đọc" ra sát khí của những tên sát thủ tiềm ẩn này. Trong nhân tướng học phương Đông, trên khuôn mặt, mắt được coi là tâm điểm. Có thể che giấu nhiều điểm trên gương mặt nhưng không che giấu được ánh mắt. Những nhà nhân tướng học đều có chung quan niệm khi nhìn một người đều có những đặc điểm để người ta có thể đưa ra gợi ý về tính khí của con người đó.
Một nhà nhân tướng học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người cho biết: "Khi nhìn nhân tướng chủ yếu nhìn vào mắt, nó thể hiện trên ánh mắt. Có những người rất lành, nhưng nhìn nhân tướng học lại có điểm đặc biệt, ví dụ mắt có tia đỏ, sát khí lên mắt và trong nhân tướng học gọi đó là "hung điểm". Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng nhận biết này. Chính vì thế có những kẻ sát nhân, sau khi gây án trốn biệt tích, bằng "mã" bề ngoài của mình đã chinh phục được không ít phụ nữ, sau đó còn lập gia đình sống cuộc sống "mới" trước khi bị pháp luật phát hiện và trừng phạt. Có người sau bao năm chung sống với chồng mới biết trong quá khứ, chồng là một kẻ đã từng giết người".
Nhân cách con người do môi trường sống
Tuy nhiên, nhân tướng học chỉ có thể cho những người khác một đại ý đại thể. Nhân cách của một con người hoàn toàn do giáo dục và môi trường sống tạo nên. Từ chuyện hung thủ bỏ học quá sớm, lại đua đòi ăn chơi cho đến chuyện những người trong gia đình đã tìm mọi cách che tội cho hắn thì cũng không khó hiểu khi Lê Văn Luyện lại có những hành động tàn ác như vậy.
Ẩn sâu trong câu chuyện đau đớn này, đến nay ai cũng biết một điều đầy căm phẫn, sau khi gây án Lê Văn Luyện có đi chữa vết thương và khi được y tá chữa trị hỏi vì sao bị thương y còn cười cười không nói. Sau đó y còn về nhà rồi mới tìm đường tẩu thoát. Khi đã trốn lên Lạng Sơn hắn mới gọi điện về cho bố để mang số vàng khoảng 50 cây đi chôn ở gần chuồng lợn. Sau đó ông Lê Văn Miên (sinh năm 1969, bố Luyện) còn lên Lạng Sơn tìm con nhưng không gặp.
Những hành động bao che, mờ ám này diễn ra trong lúc dư luận đang sục sôi, cơ quan chức năng đang tận tâm, tận lực bằng tất cả các biện pháp nghiệp vụ lẫn lực lượng tinh nhuệ nhất hòng tìm ra hung thủ, đã khiến cho không ít người oán giận cả bố mẹ hung thủ. Việc làm này trước tiên là vi phạm pháp luật, song nghiêm trọng hơn nó còn làm cho việc điều tra, truy bắt đối tượng gặp khó khăn.
Việc bố mẹ và người thân của Lê Văn Luyện che giấu tội ác cho hắn không thể biện luận là "hổ dữ không ăn thịt con". Với mỗi con người cần nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình với cả xã hội và cả lương tâm của chính mình. Hành vi của Lê Văn Luyện là không thể dung thứ và gây ảnh hưởng cực lớn và xấu đến xã hội. Một tội ác quá lớn không thể dung thứ được.
Có ai là không thấy thương tâm trước một vụ án đau đớn tột cùng như thế. Không chỉ cùng lúc tước đi sinh mạng 3 người trong một gia đình yên ấm, hạnh phúc, chúng đã đẩy một cháu gái 9 tuổi mất cha, mất mẹ, mất em với thương tật trên cơ thể vĩnh viễn không thể lành lặn và sự sang chấn tinh thần đau khổ mất mát không gì không thể bù đắp nổi. Vậy thì người cha của Lê Văn Luyện kia đáng thương hay đáng giận?
Bên cạnh đó là người mẹ, người mẹ đã đi giặt bộ quần áo nhuốm máu của tội ác của con hòng xoá dấu vết tội ác tày trời của con thì đáng thương hay đáng oán trách? Dư luận không mù quáng, không phải chỉ biết trút căm hờn vô cớ, nhưng dư luận luôn có quyền phê phán, lên án thậm chí là kết tội. Trong những ngày này có hàng trăm chiến sĩ công an đang trong quá trình điều tra, truy bắt hung thủ thì ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, khắp mọi nẻo đường, người dân đã lập những "tòa án" của riêng mình và phán xét.
Đi đâu cũng có thể nghe thấy câu hỏi: "Đã bắt được hung thủ vụ án tiệm vàng Bắc Giang chưa?". Vậy thì hành vi của bố mẹ Luyện đã tiếp tay cho cái ác để trước mắt hung thủ đã lọt khỏi vòng vây bắt của lực lượng công an. Nếu như bố mẹ Luyện tỉnh táo hơn, biết đến việc tất yếu đền tội thì có phải giờ đây họ cũng không phải vướng vòng lao lý và cũng cứu vớt được một sự thương cảm của dư luận.